Hướng dẫn nâng cấp main- board mạch chủ

Hướng dẫn nâng cấp main- board mạch chủ

So với card đồ họa và bộ xử lý (BXL) thì việc nâng cấp BMC có độ phức tạp cao nhất vì khả năng tương thích với nhiều linh kiện phần cứng khác nhưng lại không cải thiện đáng kể hiệu suất hệ thống.

Phần Cứng

LỰA CHỌN BMC

Bài viết chia sẻ một số kinh nghiệm để giúp bạn đọc tự tin hơn cần nâng cấp BMC, nhất là với trường hợp buộc phải thay thế khi BMC bị hư và hết hạn bảo hành.

BMC là nền tảng để xây dựng nên máy tính của bạn. Việc nâng cấp BMC khá phức tạp vì mối tương quan mật thiết với những linh kiện phần cứng như bộ xử lý (BXL), card đồ họa, RAM, thùng máy và cả bộ nguồn.

Cách đơn giản nhất là thay thế BMC tương đương, sử dụng cùng chipset với BMC cũ hoặc xem xét lại toàn bộ hệ thống để chọn được BMC mới mạnh hơn, hiệu năng cao hơn.

1. Tương thích socket

Điểm quan trọng cần lưu ý là tùy thuộc BMC cũ hỗ trợ BXL socket nào thì bạn phải chọn BMC mới hỗ trợ BXL socket đó khi nâng cấp. Cách đơn giản nhất là thay thế BMC tương đương, có cùng chipset với BMC cũ hoặc có thể chọn BMC chipset mới hơn nếu vẫn đảm bảo khả năng tương thích với BXL đang sử dụng. Trên thực tế với một vài socket cũ như AM3 của AMD hoặc 775LGA của Intel, bạn đọc dễ dàng nhận thấy là có nhiều BMC trang bị chipset thuộc các dòng khác nhau nhưng lại hỗ trợ cùng 1 socket BXL. Trường hợp muốn chuyển sang một nền tảng mới nhanh hơn, mạnh hơn, bạn cần phải nâng cấp cả BXL, RAM và cả bộ nguồn công suất cao hơn. Tham khảo thêm thông tin trong bài viết “Kinh nghiệm nâng cấp BXL, trang 98”.

2. Kích thước thùng máy

Nhiều bạn đọc không biết kích thước thùng máy lại có ảnh hưởng đến sự lựa chọn BMC. Bạn cần xem xét khả năng hỗ trợ BMC của thùng máy trong tài liệu đi kèm hoặc tại website của nhà sản xuất (NSX). Phổ biến hiện nay là BMC chuẩn ATX, mini-ATX và mini-ITX, trong đó chuẩn ATX chỉ thích hợp với thùng máy cỡ trung trở lên (mid-tower, desktop), trong khi chuẩn mini-ATX và mini-ITX nhỏ gọn thích hợp với thùng máy cỡ nhỏ (mini-tower, mini desktop). Trường hợp đặc biệt là với cấu hình phần cứng xây dựng trên nền tảng 2 BXL (dual socket extreme desktop) hoặc máy trạm (workstation) thích hợp với thùng máy cỡ lớn (full tower) nhằm cung cấp không gian rộng hơn cho BMC chuẩn extended ATX (eATX).

3. Những lưu ý khác

Khi chọn BMC mới, bạn cũng cần lưu ý đến khả năng tương thích với phần cứng khác như card đồ họa, RAM và bộ nguồn. Chẳng hạn BMC phải có khe cắm PCIe x16 nếu hệ thống sử dụng card đồ họa rời; trường hợp hệ thống sử dụng đồ họa tích hợp, bạn cần chọn BMC tích hợp sẵn chip đồ họa. Tương tự với RAM, bạn cũng cần xem xét loại RAM đang sử dụng là DDR2 hoặc DDR3. Với bộ nguồn, lưu ý là ngoài việc đảm bảo công suất cần đáp ứng cho hệ thống, bạn cũng cần kiểm tra đường cấp nguồn cho BXL (ATX +12V) loại 4 hoặc 8 chân để có sự lựa chọn phù hợp.

CHUẨN BỊ

Trừ trường hợp thay thế BMC tương đương thì việc nâng cấp BMC mới hơn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tính ổn định và thậm chí gây lỗi “treo cứng” hệ thống. Tốt nhất, bạn nên sao lưu mọi thứ để dự phòng trường hợp hệ thống không thể khởi động. Tham khảo cách sao lưu và khôi phục dữ liệu, thông tin cá nhân và các thiết lập trong một số ứng dụng quan trọng khi cài lại HĐH mà chúng tôi từng đề cập trong bài viết pcworld.com.vn/A0812_150 và pcworld.com.vn/A0901_129.

LẮP RÁP

Quá trình nâng cấp BMC khá phức tạp, ngoài việc đòi hỏi phải thao tác cẩn thận, nhẹ nhàng, bạn nên thực hiện trong một không gian đủ sáng và đủ rộng để “bày” những công cụ cần thiết, các linh kiện phần cứng khi tháo ráp. Bạn cũng cần đeo vòng khử tĩnh điện (nếu có) hoặc chạm vào thùng máy để cân bằng tĩnh điện trong người và tránh đặt thùng máy trên thảm khi thực hiện.

- Tắt máy tính, rút cáp nguồn điện, cáp mạng, cáp tín hiệu các thiết bị ngoại vi.

- Tháo 2 nắp đậy bên hông thùng máy. Kiểm tra để xác định những linh kiện phần cứng cần tháo lắp. Thông thường trước khi lấy BMC cũ khỏi thùng máy, bạn cần tháo tất cả linh kiện phần cứng kết nối trực tiếp với BMC, chẳng hạn card đồ họa, card âm thanh, cáp cấp nguồn, cáp dữ liệu, cáp kết nối bảng điều khiển thùng máy.

- Với BXL và tản nhiệt BXL, bạn có thể tháo ráp sau bên ngoài thùng máy để thao tác chính xác hơn và tránh trường hợp nhấc cả BXL khỏi đế cắm BMC khi tháo tản nhiệt.

- Bạn cần tháo các ốc vít giữ chặt BMC với thùng máy trước khi lấy ra ngoài. Tháo mặt nạ bảo vệ các ngõ giao tiếp (I/O shield) ở mặt sau thùng máy và thay bằng mặt nạ đi kèm BMC mới.

- Kế tiếp, đặt BMC mới vào thùng máy, điều chỉnh để các ngõ giao tiếp của BMC khớp vị trí với mặt nạ, các vị trí gắn vít của BMC khớp với đế đỡ và gắn chặt bằng ốc vít.

- Việc lắp các linh kiện phần cứng trên BMC mới tương tự như khi tháo rời nhưng thao tác ngược lại. Chẳng hạn với BXL, bạn cần tháo nắp nhựa bảo vệ đế cắm, mở chốt giữ phiến đậy BXL, nhẹ nhàng đặt BXL vào đế cắm sao cho chân 1 của BXL đúng vị trí với chân 1 của đế cắm, đóng phiến và gài chốt giữ.

- Với RAM, đẩy chốt gài ở hai đầu khe cắm ra, đặt thanh RAM sao cho vị trí rãnh của thanh RAM ứng với khe cắm và ấn chặt xuống cho đến khi nghe tiếng "tách" hoặc chốt gài ở hai đầu khe cắm "bập" vào vị trí cũ.

- Nếu sử dụng card đồ họa rời, ấn chặt card mới vào khe PCIe x16, bảo đảm các chân giao tiếp của card nằm hoàn toàn trong khe cắm trên BMC, sử dụng vít hoặc chốt gài để giữ card chặt vào thùng máy.

- Tham khảo tài liệu đi kèm BMC để gắn các sợi cáp kết nối với bảng điều khiển của thùng máy vào vị trí thích hợp trên BMC. Kế tiếp, gắn cáp mở rộng các ngõ giao tiếp USB, IEEE 1394, ngõ cắm micro, audio của thùng máy với BMC và sử dụng cáp SATA kết nối ổ cứng, ổ quang với cổng SATA trên BMC.

- Gắn cáp cấp nguồn chính cho BMC và đường cấp nguồn ATX +12V cho BXL. Với các thiết bị phần cứng gắn trực tiếp trên BMC sẽ lấy nguồn qua BMC (trừ card đồ họa rời có thể cần nguồn bổ sung). Trước khi kết thúc quá trình lắp ráp máy tính, hãy kiểm tra lại để đảm bảo cáp nguồn, cáp dữ liệu đã gắn kết đầy đủ. Dùng các dây rút để buộc cáp nguồn gọn gàng, tạo sự thông thoáng bên trong thùng máy. Hãy chắc chắn mọi thứ hoạt động tốt trước khi đóng nắp thùng máy.

CHẠY THỬ

Sau khi hoàn tất việc lắp ráp, cấp nguồn cho hệ thống và màn hình. Nhấn nút Power khởi động hệ thống. Trước tiên, bạn cần tối ưu các thiết lập, thông số trong BIOS BMC với cấu hình phần cứng đang sử dụng. Nhấn phím F10 lưu lại các thiết lập mới trước khi khởi động hệ thống vào môi trường Windows.

Tùy thuộc vào sự khác biệt giữa BMC cũ và mới cũng như phiên bản HĐH đang sử dụng mà việc nâng cấp có thể ảnh hưởng đáng kể đến tính ổn định của hệ thống. Nếu may mắn, HĐH sẽ mất một khoảng thời gian để nhận dạng và cài đặt trình điều khiển (driver) tương ứng. Những gì bạn cần làm là cài bổ sung driver của những thiết bị phần cứng mà HĐH không tự động nhận dạng được và tái kích hoạt bản quyền HĐH, các ứng dụng nếu có yêu cầu. Trường hợp tệ nhất có thể gặp là lỗi “màn hình xanh chết chóc” (BSoD) và cách khắc phục thường là cài lại HĐH với tùy chọn Repair để sửa chữa hoặc thậm chí cài mới hoàn toàn HĐH cùng những ứng dụng cần thiết cho công việc. Tham khảo các bước cài lại HĐH trong bài viết “Khôi phục hệ thống an toàn”, ID: A1106_109.

PCW Mỹ 8/2011

Hình 1: Ở mục StartupDelay, bạn cần thay đổi giá trị để XP khởi động nhanh hơn.

Khởi động XP nhanh hơn

HỆ THỐNG

Theo thời gian, máy tính chạy Windows XP của bạn sẽ trở nên ì ạch, đặc biệt là lúc khởi động. Dưới đây là 1 mẹo nhỏ để rút ngắn thời gian khởi động Windows XP.

1.Mở Registry Editor và chuyển đến HKEY_LOCAL_MACHINE\SYSTEM\CurentControl Set\ Control\ ContentIndex.

2. Trong khung bên phải là khóa StartupDelay. Để mở cài đặt này, bạn nhấn chuột đúp vào StartupDelay. Sau đó, đổi cài đặt Base từ dạng Hexadecimal thành Decimal, và nhập vào giá trị 40000 ở vùng Value data (mặc định của biến này là 480000).

3. Thoát Registry Editor và khởi động lại máy tính.

Bùi Xuân Toại - PCworld

PCW Mỹ 8/2011


Hướng dẫn nâng cấp main- board mạch chủ