Phong tục ngày Tết của Việt Nam
Nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ thời Ngũ Đế, Tam Vương bên Trung Quốc. Trong tiếng Hán, chữ “nguyên” nghĩa là bắt đầu, thứ nhất, chữ “đán” nghĩa là một ngày hoặc buổi sáng. Ghép lại, “nguyên đán” nghĩa là ngày đầu tiên của năm. Tại Việt Nam, Tết nguyên đán có thể xem là ngày lễ hội cổ truyền lớn và quan trọng nhất trong năm, là dịp gia đình sum họp, vui vầy bên nhau.
Mồng một người ta thường hay đến cúng vái và thăm hỏi những nhà bên họ nội, mồng hai sang lễ tết bên nhà vợ và mồng ba đến thăm thầy, vì thế có câu "Mồng một tết cha, mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy". Khi đến thăm họ hàng, bạn bè, người ta thường chúc nhau mạnh khỏe, sống lâu, may mắn gọi là "làm tuổi", và "lì xì" tức là cho tiền vào phong bao giấy đỏ "mừng tuổi cho trẻ em".
Ở miền Nam, bốn món cúng và là bốn món ăn ngày Tết, món thứ nhất là thịt hầm. Bắt buộc phải là thịt bắp đùi, hầm cho nhừ. Món này chỉ để ăn chơi chớ không ăn với cơm. Món thứ nhì là thịt kho hột vịt, phải là thịt ba rọi và bắt buộc phải lớn miếng phải to ít lắm cũng bốn phân trên bốn phân và bắt buộc phải đổ vào nồi thịt kho ấy ít lắm cũng một trái dừa xiêm, để cho món thịt kho ấy lạt đi, hầu ăn được to miếng. Món thứ ba là khổ qua nạp ruột dồn thịt heo bầm nát vào đó rồi cũng hầm y như hầm món thịt nói trên. Món thứ tư thật ra là hai món nhưng chỉ để ăn chơi nên xem như một, đó là nem và bì. Rau chỉ có một thứ độc nhất và cũng bắt buộc, ấy là món dưa giá tức là giá sống ngâm trong nước có ít muối. Ăn bất kỳ món nào trong bốn món kể trên cũng bắt buộc ăn với dưa giá.
Cúng ông Táo – theo quan điểm của người Việt thì ông Táo là người ghi chép tất cả những gì con người làm trong năm và báo cáo với Ngọc Hoàng. Ngoài ra, ông Táo còn đại diện cho sự ấm no của một gia đình. Ông Táo được cúng vào ngày 23 tháng chạp Âm lịch hàng năm. Lễ cúng ngoài hương, nến, hoa quả, vàng mã còn có hai mũ đàn ông, một mũ đàn bà và con cá chép, cá chép sẽ đưa ông Táo vượt qua Vũ Môn để lên Thiên đình gặp Ngọc Hoàng.
Cúng Tất niên:Lúc đầu được hiểu như là hoàn tất (công việc) trong năm, tức cúng các tổ nghề đã phù hộ cho công việc làm ăn, nhưng vì không phải thợ nào cũng có vị tổ nghề rõ ràng nên dần dà, mọi người đều cúng. Lễ cúng này thường vào các ngày từ sau 23 đến 29 hoặc 30 Tết.
Xin chữ đầu xuânĐầu năm thường gắn với việc cầu xin những điềm lành, việc lành trong ao ước của con người qua những cuộc hành hương về nơi linh thiêng nhất. Xin chữ là một trong những hoạt động tâm linh ấy. Việc mang ý nghĩa này có nhiều nơi trên khắp mọi miền đất nước.
Ông Đồ cho chữ ngày xuân
Từ Bắc chí Nam, từ xuôi lên ngược, chẳng phân biệt giàu nghèo, sang hèn... ta thường bắt gặp những gương mặt giống nhau ở sự thành tâm của người xin chữ trước người cho chữ. Ngày xưa là chữ Nho, ngày nay vẫn là chữ Nho, lại có thêm cả chữ Ta nữa. Các thầy đồ Hán học và Quốc ngữ học tha hồ thả hồn theo nét bút mà tặng lại cho người xin cái tâm, cái tài của mình được gửi qua nét chữ và nội dung của chữ theo ước nguyện của người xin.
Bàn thờ gia tiênKhi Tết đến Xuân về, khi tới kỳ giỗ ông bà, tổ tiên, dẫu đang sống tận nơi đâu, các cháu con cũng nhớ sắp xếp thời gian và mọi điều kiện bồng bế nhau về đủ mặt. Trước bàn thờ nghi lễ truyền thống, ăn mặc lễ phục chỉnh tề, cử chỉ nghiêm trang, dọn lòng trong sạch hướng tâm linh cúng lạy, nguyện sống xứng đáng với ''bề trên''.
Sự tín ngưỡng ấy đã góp phần tạo thêm giá trị nhân văn, đạo đức truyền thống, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Sự thờ cúng tổ tiên mách bảo con cháu giữ gìn đạo lý, nề nếp gia phong, sống tình nghĩa thủy chung, tu thân, hướng thiện. Thực tâm cầu thị, yêu đồng loại, sâu nặng cội nguồn... Theo các nhà nghiên cứu, có ba kiểu bàn thờ khác nhau. Đầu tiên là kiểu bàn thờ ông bà ta đưa từ miền Trung vào Nam Bộ, có 4 chân, bàn nghi ở giữa, có lư nhang, bộ chưng đèn.
Phía trong bàn thờ đặt giường thờ. Phỏng định kiểu bàn thờ này xuất hiện ở đất phương Nam vào năm 1890, khi chưa có bóng dáng đô thị hóa và tiếp cận văn hóa phương Tây. Vào năm 1910, đổi lại kiểu bàn thờ nhỏ gọn hơn, có thợ từ Bắc vào chạm trổ cẩn xà cừ hoa văn chữ Hán. Cạnh bàn thờ có tranh vẽ trên kiếng nói về ước vọng sâu xa của con nguời muốn vươn tới chân, thiện, mỹ và cuộc sống ấm no, thịnh vượng, thái bình...
Khi có sự du nhập nền văn hóa phương Tây và kinh tế thị trường, ở những nơi thị tứ, đường nét đô thị hóa rõ dần, đèn sáp đã thay bằng đèn dầu hỏa, không gian thờ phụng thu hẹp hơn, thường chỉ 2,3 m2. Bàn thờ, giường thờ đã thay bằng tủ thờ cách tân theo kiểu tủ người Pháp, nhưng tuyệt nhiên cửa tủ trước không bao giờ mở; chỉ mở cửa hông hai bên để giữ gìn ý tứ và cử chỉ tôn kính tổ tiên.
Bên trong tủ thờ chỉ đặt để ngăn nắp những nhang đèn, hoa quả, bình tách, chai rượu quý, các giấy tờ hành chánh, hộ tịch, gia phả, di cảo điền thổ... Phỏng định những kiểu bàn thờ này xuất hiện ở đây vào khoảng năm 1920, như vậy chỉ trong vòng 30 năm, từ 1890 - 1920, ở Nam Bộ đã có ba kiểu bàn thờ tổ tiên khác nhau. Từ bàn thờ 4 chân kê liền với giường thờ phía trong, có bàn nghi ở giữa, chiếm nhiều diện tích trong nhà, đã dần dần điều chỉnh đến đơn giản hóa, thu gọn vào cái tủ thờ mà ta thường thấy.
Ngày nay, nhà cửa nơi ăn chốn ở được kiến trúc xây dựng khang trang rộng lớn hơn, con cháu dành hẳn một phòng tĩnh lặng để thờ cúng tổ tiên. Thiết kế đúc vĩnh cửu một cái bàn thờ cũng bằng bê tông. Lát gạch men cao cấp bóng sạch. Còn có đặt để thêm mặt kính dày năm, bảy ly. Bề ngang bàn thờ dài đến ba thước, có khi hơn, đụng hai đầu vách tả hữu. Rộng đến cả thước sát vách tường. Bàn thờ mặt nhìn ra tiền diện có nhiều cửa hướng đất trời thiêng liêng trong sáng, dưới đáy bàn thờ là ngăn hộc tủ đựng lễ vật và tài sản quý báu.
Trang trí, thiết kế rất tinh tế, hoa đăng màu sắc hài hòa giữa tân và cựu. Tết đến Xuân về còn lấp lánh hàng chữ “MỪNG NĂM MỚI''. Có đẳng cấp, nhiều ngăn, nhiều tầng. Thờ phụng người quá cố từ nhỏ - tầng thấp đến các bậc ông sơ, ông cố ở tầng cao. Dọn cúng mâm cao cỗ đầy. Tề tựu đông đủ. Với các món nấu nướng gia truyền, dâng cúng là những sản phẩm nông nghiệp.
Hoa tươi, rượu nếp gạo nấu tinh khiết. Bánh trái, ngũ cốc, thịt gà, heo... Nấu nướng thơm ngon đặt lên cúng trên bàn thờ. Để ông bà yên lòng nhìn thấy các cháu con biết giữ gìn truyền thống ''dĩ nông vi bản'' và đem sức lao động cần cù làm ra thành quả từ lòng đất quê hương của ông cha để lại. Thời nay người Việt còn dâng cúng nhiều loại rượu bia, bánh hộp... nhiều loại thực phẩm chất lượng thời công nghiệp chế biến cao sang tân tiến.
Trên bàn thờ gia tiên đặt nơi cao quý tôn kính nhất trong nhà, dân ta lúc nào cũng trang hoàng, gìn giữ lau chùi thật tươm tất bóng sạch. Hương đèn quanh năm. Đêm ngày gắn liền với tâm linh và ánh mắt. Ấy chính là nét văn hóa truyền thống góp phần bảo tồn di sản tinh thần và đạo đức trong đời sống con người lưu truyền tự ngàn xưa.
Cúng giao thừaDân tộc nào cũng coi phút giao thừa là thiêng liêng. Các cụ ta quan niệm: Mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một ngài có vị trí như quan toàn quyền.
Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: Được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật... Trái lại, gặp phải ông lười biếng kém cỏi, tham lam... thì hạ giới chịu mọi thứ khổ. Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao, các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ.
Các cụ cũng hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan, quân còn chưa kịp ăn uống gì. Nhưng phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới.
Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Ví cứ tưởng tượng thêm thắt các hình ảnh nhà trời theo mình như vậy nên nhiều nhà có của đua nhau cúng giao thừa rất to và nghĩ cách làm mâm cúng giao thừa nổi lên bởi những của ngon vật lạ, trang trí cầu kỳ để các quan chú ý, quan tâm đến chủ hảo tâm mà phù hộ cho họ với những ưu ái đặc biệt.
Xuất hành và hái lộcĐầu năm mới, người Việt còn có tục xuất hành. Xuất hành là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần... Thường thường, người ta theo các hướng tốt, xuất hành đi lễ chùa, đền hoặc đi chúc Tết các bậc huynh trưởng, thân quyến hay bằng hữu. Đối với nhà nông ngày xưa, đầu năm mới xuất hành còn để chiêm nghiệm thời tiết.
Vào những ngày đầu năm, khi mặt trời mọc người ta đi ra khỏi nhà xem chiều gió thổi, người ta có thể đoán được năm mới hên hay xui, chẳng hạn:
- Gió Nam: chỉ đại hạn
- Gió Tây: chỉ cướp bóc loạn lạc
- Gió Tây Nam: chỉ bệnh dịch tả
- Gió Bắc: chỉ được mùa vừa phải
- Gió Tây Bắc: chỉ được mùa đỗ, đậu
- Gió Đông: chỉ có lụt lớn....
Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người mình còn có tục bẻ lấy một "cành lộc" để mang về nhà lấy may, lấy phước. Đó là tục "hái lộc". Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si, cây xương rồng... là những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc này thường đem về cắm ở bàn thờ Tổ Tiên.
Mâm ngũ quảTrong ngày Tết không thể thiếu mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên. Năm loại quả này phải đại diện cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Thông thường người ta chọn yếu tố màu sắc đặc trưng của ngũ hành: màu trắng là màu của Kim, màu xanh lá cây là màu của Mộc, màu xanh lam hay đen là màu của Thủy, màu đỏ là màu của Hỏa, màu vàng là màu của Thổ.
Ngoài ra, tên của loại trái cây mang một ý nghĩa rất quan trọng, gắn liền với sự sung túc, sức khỏe và may mắn như : Mãng Cầu, Dừa, Đu Đủ, Xoài, Đào Tiên, Táo, Dưa Hấu... Mâm ngũ quả biểu tượng cho lòng biết ơn ông bà, tổ tiên của mỗi người Việt, cũng như lòng mong ước một năm mới an khang, nhiều may mắn, tốt đẹp.
Giao thừaLẽ trời đất có khởi thuỷ phải có tận cùng, một năm có bắt đầu ắt phải có kết thúc, bắt đầu vào lúc giao thừa, cũng lại kết thúc vào lúc giao thừa.
Giao thừa là gì? Theo từ điển Hán Việt của Ðào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới đón lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ, mới này, có lễ trừ tịch.
Lễ Trừ tịch :Trừ tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bắt đầu qua năm mới. Vào lúc này, dân chúng Việt nam theo cổ lệ có làm lễ Trừ tịch. Ý nghĩa của lê này là đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để " khu trừ ma quỷ", do đó có từ "trừ tịch". Lễ trừ tịch cử hành vào lúc giao thừa nên còn mang tên là lễ giao thừa
Tục lệ trong đêm trừ tịchSau khi làm lễ giao thừa, các cụ ta có những tục lệ riêng mà cho đến nay, từ thôn quê đến thành thị, vẫn còn nhiều người tôn trọng thực hiện. Lễ chùa, đình, đền: Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc, cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình và nhân dịp này người ta thường xin quẻ thẻ đầu năm.
Dựng cay nêu đê trừ tà ma
Kén hướng xuất hành: Khi đi lễ, người ta kén giờ và hướng xuất hành, đi đúng hướng đúng giờ để gặp may mắn quanh năm.
Hái lộc: Ði lễ đình, chùa, miếu, điện xong người ta có tục hái trước cửa đình, cửa đền một cành cây gọi là cành lộc mang về ngụ ý là "lấy lộc" của Trời đất Thần Phật ban cho. Cành lộc này được mang về cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô.
Hương lộc: Có nhiều người thay vì hái cành lộc lại xin lộc tại các đình, đền, chùa, miếu bằng cách đốt một nắm hương, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó về cắm và bình hương bàn thờ nhà mình.Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt được lấy từ nơi thờ tự về tức là xin Phật ,Thánh phù hộ cho được phát đạt quanh năm.
Xông nhà: Thường người ta kén một người "dễ vía" trong gia đình ra đi từ trước giờ trừ tịch, rồi sau lễ trừ tịch thì xin hương lộc hoặc hái cành lộc ở đình chùa mang về. Lúc trở về đã sang năm mới và ngưòi này sẽ tự "xông nhà" cho gia đình mình, mang sự tốt đẹp quanh năm về cho gia đình. Nếu không có người nhà dễ vía người ta phải nhờ người khác tốt vía để sớm ngày mồng một đến xông nhà trước khi có khách tới chúc tết, để người này đem lại sự may mắn dễ dãi.
Lì xì: phát âm theo người Quảng Đông: lishi): người lớn thường tặng trẻ em tiền bỏ trong một bao giấy đỏ, hay "hồng bao", gọi là "lì xì" với những lời chúc mừng ăn no, chóng lớn. Theo cổ tích Trung Hoa thì trong "hồng bao" có 8 đồng tiền (là Bát Tiên hoá thân) được đặt dưới gối đứa trẻ để xua đuổi quỷ đến quấy nhiễu.
Tảo mộPhong tục thuần tuý Việt Nam trong dịp Tết là tục tảo mộ cuối năm hay vào những ngày đầu năm mới. Vào những ngày cuối năm hay đầu năm, các gia đình thường tụ họp ở nghĩa địa để sửa sang, quét dọn phần của tổ tiên và những thân quyến quá cố. Họ đem hương hoa lễ vật bày ở mộ và "cung thỉnh" hương hồn những người quá vãng về nhà ăn Tết cùng con cháu...
Phong tục ngày Tết của Việt Nam