Apple - luôn có cách để tạo con đường riêng


Mỗi sản phẩm của Apple khi bước ra khỏi dây chuyền lắp ráp đều trở thành tâm điểm của đám đông với những tác động lớn đến giới công nghệ lẫn đời sống thực. Lần ra mắt iPad phiên bản thứ 3 này cũng không nằm ngoài quy luật đó. Tim Cook là ông bầu giản dị cho buổi lễ nhưng tinh thần chủ đạo vẫn là của Steve Jobs. Jobs ra đi, để lại cho Apple một chuỗi sản phẩm thành công lẫn một chiến lược kinh doanh kì diệu và công ty vẫn gắn bó với hai thứ đó. iPad mới, một sự cải tiến trên thế hệ trước cho thấy Apple đã trở thành một cỗ máy sản xuất và tiếp thị tinh vi, với những nguyên tắc rõ ràng về đổi mới và thu lợi nhuận.

Cải tiến chứ không cách mạng

Điều này giống như việc Apple đang quay vòng lại và sử dụng tên thế hệ đầu tiên của chiếc máy tính bảng đặt cho thế hệ thứ 3 với một số cải tiến về phần cứng. Đơn giản hóa tên sản phẩm luôn luôn là một điều tốt. Hãy nhìn vào một cửa hàng bán đồ Apple để nhận thấy mọi thứ là đơn giản. Chúng ta có iMac, Macbook, MacBook Air, MacBook Pro và Apple TV… Ngược lại iPad (và cả iPhone) đã gây nhiều cản trở với hậu tố vụng về kể từ khi ra mắt phiên bản thứ 2. Cuối cùng chúng ta đã có iPad, ngắn gọn và nhiều ý nghĩa hơn. Thực tế của vấn đề là giá trị tên thế hệ sản phẩm không thể kéo dài mãi được và thay vào đó các công ty thường tạo ra tên mới hay thêm một số biệt danh như HD, Extreme, Maxx… Nếu không chúng ta đã có Mac 25, iPod 8 hay MacBook Air 4. Di sản thương hiệu là cực kì quan trọng, cũng giống như trong ngành công nghiệp ô tô với những mẫu xe có hàng chục thế hệ những vẫn chỉ được gọi đơn giản theo tên gốc. Tuy nhiên việc thay đổi thương hiệu có nhiều ý nghĩa hơn là đơn giản hóa ở Apple Store. Đó là dấu hiệu cho thấy iPad đã đủ trưởng thành với sự khác biệt giữa model mới và model cũ là tiến hóa chứ không phải cách mạng. Người tiêu dùng đủ biết được khi nào có một model mới được phát hành hoặc mua một cái mới khi cái cũ bị hỏng hoặc không còn làm được những gì họ muốn làm (cơ bản giống mô hình hoạt động của máy tính).
Một số độc giả đặt rất nhiều dự đoán cho tên sản phẩm. Tôi còn nhớ khi iPhone 4S được công bố. Điều gì đã xảy ra, đây là mẫu sản phẩm bán chạy nhanh nhất của Apple. Người tiêu dùng dường như không quan tâm đến việc tên các thiết bị iOS của họ được gọi là gì và do đó, Apple có cơ hội tuyệt vời để đơn giản hóa tên gọi và xây dựng thương hiệu bằng cách loại bỏ hậu tố.
Mô hình của Apple với iPod, iPhone đã thành công giờ được tiếp tục với iPad. Ví như iPod, được cải tiến mỗi năm về cơn bản không nhiều. Đối thủ cạnh tranh của iPod nhiều tính năng hơn nhưng không thành công bởi những tính năng đó dường như không quan trọng với hầu hết người tiêu dùng. Tiếp đến iPhone, Apple đã khai thác hệ sinh thái âm nhạc hiện có và bổ sung thêm một số khả năng khiến chiếc điện thoại này dễ dàng hơn và thích thú hơn. iPad ra đời tạo nên một cú hích trong thị trường máy tính bảng, giúp người mua làm những điều có thể trên hai sản phẩm trên nhưng tốt hơn và màn hình lớn hơn. Apple giờ đã áp dụng mô hình kinh doanh thành công với iPad, làm mới mỗi năm. Không hoàn toàn khác biệt nhưng tốt hơn theo cách đơn giản. Bản chất con người là vui thích với sự thay đổi, tìm kiếm một cái gì đó mới hay một cách thức mới để làm những nhiệm vụ chung. Chiếc iPad mới thực sự đại diện cho iPad, thứ mà Steve Jobs trước đây luôn muốn cung cấp cho thị trường.

Hậu PC - vẫn là trò chơi chữ

Trong buổi giới thiệu iPad mới, Tim Cook luôn nhấn mạnh về cái gọi là thời kì hậu PC – một sự quảng cáo thổi phồng. Tất nhiên là họ muốn thuyết phục chúng ta rằng thế giới đang chuyển từ một thị trường mà Apple có ít hơn 10% thị phần sang một thị trường Apple có hơn 50% thị phần trên toàn thế giới. iPad là hiện đại, gợi cảm trong khi máy tính Windows thì cũ và nhàm chán – liệu PC đã chết. Tuy nhiên dành cho những mục tiêu nhất định, máy tính là lựa chọn duy nhất để giải quyết vấn đề. Có thể không gợi cảm bằng các thiết bị khác nhưng nếu gặp phải một bảng tính lớn trên máy tính bảng, chuột và bàn phím sẽ là thứ bạn mong có hơn bao giờ hết. Điều đó cũng tương tự như khi viết một báo cáo mà bàn phím là cách dễ nhất để nhập liệu và chỉnh sửa. Cũng giống như vô lăng và bàn đạp phanh là cách tốt nhất để lái xe, các bộ phim cho ta thấy rằng điều đó cũng có thể làm bằng cách vuốt những ngón tay trên màn cảm ứng nhưng không bao giờ bằng kiểm soát trực tiếp. Đúng là máy tính đang dần lép vế với tỉ lệ thị phần dần thu hẹp nhưng thế hệ sản phẩm hậu PC như một chiếc máy tính bảng kết nối với ngoại vi chuột và bàn phím sẽ đảm đương phần lớn các tác vụ quan trọng. Liệu Apple gọi những sản phẩm hậu PC như thế là gì? PC lai hay máy tính bảng lai. Điều đó không còn quan trọng bởi đây là việc của bộ phận tiếp thị trong cuộc chơi của ngữ nghĩa. Hãy nhìn những sản phẩm gần đây được ra mắt như Optimus Vu hay trước đó là Galaxy Note đều được trang bị thêm bút, kết hợp điều chỉnh phần cứng và phần mềm làm việc với nhau – đây chính là một mối nguy hiểm cho Apple khi công ty này bị khóa vào phe nói không với bút.
Thế nhưng, chắc chắn rằng các đối thủ cạnh tranh với iPad sẽ tiếp tục vất vả trong thời gian tới. Sự phổ biến của iPad đã được minh chứng trên thị trường và người tiêu dùng thường có một phản ứng tự nhiên trước những điều hoàn toàn mới – lí do thất bại của những chiếc máy tính bảng cạnh tranh. Tất nhiên là có những người thích thú trong việc học hỏi những điều hoàn toàn mới – nhưng tỉ lệ đó nhỏ, rất nhỏ.
Hãy suy nghĩ về thế hệ những chiếc máy tính bảng Android. Không chỉ phải chạy đua phần cứng mà các đối thủ còn phải “nhân bản” nhanh chóng các phần mềm “theo hướng Apple”. Vấn đề nảy sinh làm sao để tích hợp chức năng tinh tế vào một giao diện người dùng khi mà cái tên Google chưa đủ hấp dẫn cho các phần mềm người dùng cuối. Apple với sự kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng và sản xuất đã giữ cho mức giá sản phẩm của họ đủ thấp mà ngoài chiếc Kindle Fire của Amazon không ai có thể làm điều tương tự. Hướng đi riêng còn đó, muốn đối đầu với Apple các nền tảng khác nên dọn con đường của mình thông thoáng hơn.