Đánh giá chi tiết Razer Blade – Laptop chơi game siêu khủng

Tổng quan
 
Không gì có thể phủ nhận được rằng Razer Blade là một chiếc laptop tuyệt đẹp: được bao phủ bởi một màu đen bóng huyền bí, logo ba con rắn xanh của hãng chuyên sản xuất thiết bị chơi game nổi tiếng Razer nổi bật ở chính giữa cùng những đường viền bo tròn lịch lãm và độ dày đáng mơ ước. Thiết kế của sản phẩm này gợi nhớ tới MacBook Pro của Apple, chúng như 2 mặt đối lập của nhau, một đen một trắng, một bí ấn quyến rũ một tinh tế thanh lịch.
 
 
Phía bên trong của Razer Blade cũng rất đẹp với bàn phím chiclet đèn nền xanh nổi bật giữa nền đen cùng touchpad hết sức đặc biệt tạo điểm nhấn cho chiếc máy.
 
Cấu hình
 
CPU: Intel Core i7 2640M 2.8 GHz (Turbo Boost 3.5 GHz).
Chipset: Intel HM65.
Memory: 8GB DDR3, bus 1333 MHz.
GPU: Intel GMA HD + Nvidia GeForce GT 555M (2GB DDR5).
Display: 17,3”, độ phân giải Full HD 1920 x 1080 đèn nền LED (16 : 9).
Hard disk: 256 GB SATA III SSD.
Networking: LAN, Wifi 802.11 b/g/n, Bluetooth 3.0.
Webcam: HD Webcam 2.0 MP.
Hệ điều hành: Microsoft Windows 7 Home Premium 64 bit.
Các tính năng khác đi kèm: giao diện Razer Switchblade, bàn phím Anti-Ghosting, dịch vụ đám mây Razer Synapse 2.0.
Giá: 2799,99 USD.
 
Cổng kết nối
 
 
Các cổng kết nối trên Razer Blade được giản lược tối đa và toàn bộ đều bố trí phía bên trái của máy, bao gồm: 1 cổng HDMI 1.4, 1 x USB 3.0, 2 x USB 2.0, jack Audio Mic / Headphone Combo 3.5 mm. Có thể đôi lúc người dùng sẽ thấy hơi thiếu thiếu khi không có kết nối VGA và đầu đọc thẻ, tuy nhiên với một thiết bị chuyên dùng để chơi game thì những giao tiếp trên không quan trọng lắm.
 
Bàn phím và TouchPad
 
Ngoài đèn nền xanh rất đẹp đặc trưng của Razer ra thì bàn phím chiclet của Blade cũng không có gì quá đặc biệt. Layout phổ thông, các phím bố trí hợp lý, độ nảy tốt đem lại cảm giác gõ phím khá sướng. Nút điều hướng lên xuống hơi nhỏ nên đôi khi người dùng có thể bấm nhầm.
 
 
Bên cạnh bàn phím có vẻ bình thường thì TouchPad của Razer Blade lại đem lại sức hút kỳ lạ cho chiếc máy khi nó được mở ra. Thay vì đặt tại vị trí phía dưới bàn phím như thường thấy ở các mẫu laptop khác, những nhà thiết kế của hãng Razer đã tạo ra một sản phẩm rất phá cách. TouchPad của chiếc máy này là một màn hình cảm ứng kiêm nhiệm được rất nhiều chức năng khác nhau. Bạn có thể dùng nó để điều khiển chuột như bình thường, config để xem giờ tại đó, cũng có thể dùng màn hình phụ bé nhỏ này để hiển thị thông tin bình thường (ví dụ như lướt web) và đặc biệt nhất là game thủ có thể tinh chỉnh màn hình cho phù hợp với từng tựa game mình chơi.
 
 
Tuy rằng có nhiều tính năng thú vị nhưng chúng ta cũng cần xét đến chức năng chính của touchpad là di chuột. Nhìn chung là tốt, touchpad kiêm màn hình này khá nhạy, hỗ trợ cảm ứng đa điểm rất nuột, các thao tác zoom in zoom out, cuộn chuột khá mượt. Có điều màn hình plastic này hơi dít khi tay ra mồ hôi, tạo cảm giác khó chịu đối với những người bị mồ hôi tay.
 
Mỗi phím bấm phía trên touchpad là một màn hiển thị riêng, người dùng có thể tuỳ chỉnh chức năng và biểu tượng cho từng phím để thực hiện tác vụ nào đó trong game hoặc ngoài window – rất tiện lợi. Mặc định chúng sẽ là phím tắt để vào facebook, Youtube, Gmail…
 
Màn hình
 
 
Có thể nói kích thước 17,3 inch là khổng lồ đối với một chiếc máy tính xách tay, cùng với độ phân giải full HD 1080p (1920 x 1080), bạn có thể tha hồ vùng vẫy trong không gian sử dụng rộng thênh thang. Độ sáng, tương phản cũng như màu sắc của màn hình trên Blade phải nói là tuyệt vời, góc nhìn cũng rất rộng, thoải mái để nhóm bạn 3 – 4 người có thể cùng xem phim mà không bị biến màu hay tối hình. Thật tiếc là Razer lại sử dụng màn gương trên model này, bóng quá lại khiến người sử dụng bị loá khi dùng máy ở nơi có ánh sáng mạnh.
 
Loa
 
Dàn loa trên Razer Blade được quảng cáo khá khủng với hàng loạt công nghệ như Digital 7.1 Surround Audio, Dolby Home Theater v4 Audio nhưng chất lượng âm thanh cũng chỉ ở mức trung bình, âm lượng hơi nhỏ đặc biệt là tiếng bass gần như mất hút. Hầu hết hardcore gamer đều sở hữu một chiếc headphone chuyên cho việc chơi game nên vấn đề này không nghiêm trọng lắm. Tuy nhiên thực sự thì Razer đã làm cho nhiều người thất vọng với bộ loa tích hợp này.
 
Hiệu năng
 
Sức mạnh của bộ vi xử lý Intel Core i7 2640M xung 2,8 GHz, 8 GB DDR3 đem lại hiệu năng hệ thống cho chiếc máy này rất cao, điểm benchmark bằng chương trình PCMark Vantage lên tới con số 14.379. Không hiểu sao Razer lại ghép bộ sậu khủng đó cùng với một GPU tầm trung là Nvidia GeForce GT555M, điều này khiến cho hiệu năng đồ hoạ cũng như hiệu năng game của thiết bị “chơi game” này chẳng mấy ấn tượng. Điểm số 3DMark06 là 11.556, 3DMark 11 là P1,536 – khá thấp trong thời điểm hiện nay.
 
 
Kết quả là Razer Blade chỉ đáp ứng được mức cấu hình medium đối với các tựa game khủng vừa vừa như Battlefield 3, Skyrim… chạy mượt với cấu hình cao ở những trò chơi có đồ hoạ tầm trung như Starcraft II. Nhìn chung, bạn vẫn có thể chơi được hầu hết các sản phẩm tân thời với độ phân giải cao nhất nhưng không thể bật full tất cả các hiệu ứng để có được hình ảnh tuyệt vời nhất.
 
Chiếc ổ cứng thể rắn (SSD) của Blade thực sự rất tốt, bạn chỉ cần đợi khoảng 18 giây để máy khởi động vào Window. Với tốc độ đọc ghi là 467 MB/s và 362 MB/s, máy load phần mềm và luân chuyển dữ liệu rất nhanh.
 
Độ ồn và nhiệt độ
 
Chiếc máy này rất yên tĩnh và mát mẻ, ngay cả khi chạy full load với những game nặng, vỏ máy của Blade cũng không hề nóng, tiếng ồn cũng không có mấy (chủ yếu là vì SSD không gây tiếng động như HDD truyền thống).
 
Thời lượng pin
 
Với màn hình to tới 17,3 inch rất sáng và đẹp cùng thiết kế máy vừa mỏng vừa thời trang, bạn chẳng thể trông chờ vào một thời lượng pin khủng trên Razer Blade được. Chiếc laptop này có thể chạy với các tác vụ bình thường, độ sáng màn hình cao nhất trong khoảng 3 tiếng – cũng không đến nỗi quá ngắn, vẫn đủ để làm được nhiều việc như lướt web, xem phim...
 
Tổng kết
 
Quả thật Razer Blade là một chiếc laptop đáng mơ ước với thiết kế tuyệt vời: cực kỳ bắt mắt đồng thời cũng rất chắc chắn, dáng vẻ mạnh mẽ và có độ dày không tưởng cùng bộ touchpad sáng tạo. Tuy nhiên cấu hình của máy hơi bất hợp lý dẫn đến hiệu năng đồ hoạ không được cao lắm (rất cần đối với một thiết bị chơi game), hơn nữa, giá của sản phẩm quá đắt, 2799,99$ thực sự quá cao so với những gì nó đem lại.
 
 
Ưu điểm:
-          Thiết kế tuyệt vời, đẹp mắt và chắc chắn.
-          Bàn phím tốt, touchpad ấn tượng.
-          Màn hình to đẹp.
-          Máy mát mẻ, yên tĩnh.
 
Nhược điểm:
-          Cấu hình không hợp lý dẫn đến hiệu năng chơi game chưa thật tốt.
-          Bộ loa gây thất vọng.
-          Giá quá cao.