Vâng !
Tham dự cuộc thi " TÔi blog ", mình gửi tới cộng đồng mạng những tâm sự, chia sẻ, nhìn nhận của cá nhân mình về cuộc sống gia đình mình, về cha mẹ, anh chị em. Từ trước tới nay mình ít, thậm chí chưa nói ra những điều này, tất cả đều trong sự im lặng. Nhiều lúc mình muốn giãi bày với những thành viên trong gia đình, hay cùng đứa bạn thân trong lớp, nhưng mỗi lần chuẩn bị nói ra, thì ý chí, sự dũng cảm của mình lại biến đi đâu mất, để rồi sau lúc đó lại tự trách bản thân mình sao lại không đủ can đảm để chia sẻ suy nghĩ của mình.
Biết tới cuộc thi từ những ngày đầu ( 1-3 ) những mãi tới ngày hôm nay mình mới có đủ niềm tin và niềm tin để nói lên những suy nghĩ của bản thân, chia sẻ những xúc cảm cho cộng đồng. Nếu bạn đã từng biết một Nguyễn Hải mạnh mẽ, đầy ý chí, nghị lực quyết tâm, một Nguyễn Hải không bao giờ để người khác biết mình đang có chuyện không vui, một Nguyễn Hải không bao giờ khóc trước mặt người khác. Thì sau câu chuyện này, bạn sẽ còn biết được Nguyễn Hải bấy lâu mà bạn quen là một người cô đơn, yếu đuối, nhạy cảm. Bạn sẽ có phần bất ngờ khi thấy một hình tượng Nguyễn Hải mới mà trước đây bạn chưa được biết.
Lý do và lý tưởng chính của mình khi tham gia cuộc thi đó là muốn chia sẻ, muốn được mọi người hiểu được cuộc sống đời thường của mình, những điều rất giản dị tưởng chừng không ý nghĩa gì, nhưng nó đã mang đến cho mình nhiều niềm tin và sức mạnh, để vững bước đi trên con đường của mình. Mình hi vọng, thành viên trong gia đình có thể đọc được bài này, để họ biết, đứa con, đứa em của mình đã khôn lớn, biết suy nghĩ chín chắn hơn và biết lo cho cuộc sống này trước sự thay đổi của thời gian
Dưới đây sẽ là câu chuyện của mình, tất cả đều xuất phát từ trái tim, từ những kìm nén về cảm xúc, từ những kỉ niệm, niềm vui và nỗi buồn mà mình đã nhận được khi sinh ra và lớn lên dưới mái nhà thân yêu của mình. Mình không được giỏi văn cho lắm nên câu chữ còn lủng củng và có phần mâu thuẫn nhau. Nhưng nói lên những suy nghĩ của mình, nó có gì là sai, phải không mọi người. Cùng nhâm nhi tách trà và lắng nghe câu chuyện về gia đình mình nhé
Câu chuyện bắt đầu
Nhà mình có 3 anh chị em, mình là út, trên mình là chị và anh cả. Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Bình Giang - Hải Dương, anh mình thì chỉ học hết lớp 9, sau đó đi học làm công nhân cơ khí, chị mình thì học hết cấp 3, sau đó chuyển vào Nam vừa học Đại Học vừa làm cho công ty của người quen. Bố mẹ mình giờ cũng đã ngũ tuần rồi, nên nhiều lúc nghĩ về bố mẹ mà mình thấy thương họ lắm, thương vì sự cực khổ nuôi 3 anh em ăn học, bố mẹ giờ nhiều nếp nhăn, tóc cũng đã ngả màu bạc. Mỗi 1 năm, trôi qua, mình thấy lớn hơn rất nhiều, cao hơn nè, nặng hơn nè. Nhớ hồi bé, bố hay ôm mình vào lòng, được nằm gọn trong vòng tay bố thật ấm áp. Lâu lắm rồi mình không ôm bố, lớn rồi mà, nên những tình cảm thường để trong suy nghĩ hơn là hành động. Nhưng mình biết, khi mình lớn dần lên cũng là lúc bố mẹ lại già thêm đi, cơ thể mình lớn lên, thì đôi tay bố ngày càng bé đi, không đủ rộng để ôm chặt mình như trước nữa. Đôi tay phải làm việc không ngừng để nuôi anh em mình khôn lớn và trưởng thành. Nhiều lần mình không dám nhìn thẳng vào ánh mắt của bố, vì nếu nhìn mình sẽ khóc tu tu như đứa trẻ mất, vì sự vô tâm của thời gian, vì sự lăn lộn trong đời thường, đã lấy đi hình ảnh khỏe mạnh của bố , bố giờ thấp đi rồi, chân tay cũng bé đi, không phải nó bé đi hay tại mình đã lớn nên cảm nhận thấy vậy. Tuy vậy, ánh mắt bố nhìn mình vẫn đầy trìu mến và đầy hi vọng vào đứa con trai của mình. Bố mẹ giờ đã già, sức khỏe cũng giảm dần theo thời gian. Sẽ không còn những cái ôm thật chặt, những cái đánh đòn thật đau mỗi khi mình hư, sẽ không được nghe tiếng quát đầy sợ hãi mà khi bé mình không nghe lời, bởi vì mình biết, bố mẹ rất yêu thương mình, hồi bé thì quát với mắng ( nói vậy chứ cũng hơn mức nhẹ nhàng thôi chứ không giống kiểu " bạo hành gia đình " như bây giờ ), giờ mình lớn rồi, bố mẹ sẽ không dùng nhưng biện pháp như ngày xưa nữa, mà thay vào đó là những lời dạy bảo, khuyên răn và những bài học từ cuộc sống.
Với bố, con là tất cả cuộc đời này
Bố mình sinh năm 1954, là cán bộ hậu cần trước đây, cũng đã tham gia đánh giặc nhiều trận cùng đồng đội. Khi hòa bình lặp lại, bố đã về quê hương làm trong các mặt trận, đoàn thể của làng, xã. Bố hay kể cho mình nghe nhiều chuyện về thời chiến lắm, những trận đánh, những lần vào sinh ra tử cùng đồng đội. Mỗi lần nghe bố kể, mình thấy rất hào hứng, như sống trong những ngày chiến đó, nhiệt huyết , tinh thần và lòng yêu nước mãnh liệt cho từng trận đánh, và hơn cả, mình tự hào về bố, người chiến sĩ hết lòng vì sự nghiệp.
Năm 1991, mình được sinh ra, nghe tin này, bố đã xin phép đơn vị để trở về bệnh viện, nơi mẹ con mình đang ở đó. Nhưng điều không may đã xảy ra, trên đường về bệnh viện, bố đã gặp tai nạn, và cánh tay bố đã bị gãy. Bố đã được chuyển tới bệnh viện Trung ương để nối phần xương gãy, ngày vui đoàn tụ- niềm vui của cả bố-mẹ- và mình đã không thành hiện thực, thay vì bố đến thăm 2 mẹ con, thì mẹ mình đã phải đến chăm nom, chăm sóc cho bố. Thời gian ngắn sau đó, cánh tay đã được nối lại, nhưng những chiếc ốc, đinh vít nối xương thì vẫn còn nguyên đó, phải 1 thời gian sau đó mới rút ra được, nghe mẹ kể lại, khi đó bố rất đau, mối khi trái gió trở trời là vết thương lại tái phát, thậm chí có lần, vết nối xương đó bị gãy, vậy là lại phải chuyển đến viện để nối lại. Ngày mình chào đời là ngày người bố thân yêu của mình gặp phải đau đớn về mặt thể xác. Nhưng với bố, mình tin sẽ không là gì với bố - một người chiến sĩ đã vào sinh ra tử tại chiến truường mặt trận. Nỗi buồn lớn nhất khi đó, có lẽ với bố là không được nhìn thấy mặt đứa con trai út vừa được sinh ra, được nghe tiếng khóc oa oa của mình, và không được nói câu: Con, bố đã trở về...
Thời thơ ấu, mình cũng có nhiều kỉ niệm với bố, có lẽ là con út nên được nuông chiều thì phải, hễ mình oa oa khóc một tí là bố lại trách người này người kia. Bố hay dẫn mình đi chơi, đưa mình đi ăn lung tung lắm. Mình khi đó chỉ biết nắm chặt tay bố và ngơ ngác bước theo thôi . Đôi bàn tay bố những lúc vậy thật ấm áp. Tết đến, bố sắm sửa cho mình quần áo mới, gia đình không có điều kiện nên chỉ là những bộ quần áo bình thường thôi, nhưng với mình thì rất vui, bố mua về mặc đòi bằng được, mặc nguyên mấy hôm Tết, bố nói " để dành còn đi chơi tết chứ con " , nhưng mình mặc kệ, mặc nguyên mấy hôm tết. Có lẽ do thời gian đã quá lâu rồi nên những kí ức về tuổi thơ với bố mình không nhớ rõ lắm, chỉ có cảm nhận được, khi đó với mình: Bố là tất cả
Thời gian cứ thế trôi đi, chả mấy mình đã học cấp II rồi. Bố cũng lo rất nhiều về việc học của mình, bố đã liên hệ với thầy cô chuyên văn và toán để cho mình đi học phụ đạo. Nhìn bố tất bật lo cho mình, mình thương bố lắm, và gắng học sao cho thật giỏi để đáp lại lòng mong mỏi của bố. Và không phụ công cố gắng luyện tập, cũng như lo toan hết mực của bố cho chuyện học của mình, mình đã thi đỗ vào trường THPT Bình Giang - ngôi trường có truyền thống bề dày lịch sử. Nhưng không hẳn là vui cho lắm, mình chỉ đỗ vào A6, hôm đó mình không ăn uống gì cả, bạn bè nó toàn vào lớp chọn, mình thì vào lớp thường. Bố đã biết điều này, và đã liên hệ với ban Giám Hiệu nhà trường xin cho mình chuyển lên A2. Mình biết, bố đã đặt niềm tin rất nhiều vào mình.
Thấm thoát 3 năm học phổ thông cũng đã hết, mình bước vào kì thi ĐH- CĐ với đầy quyết tâm và nghị lực. Nhìn ánh mắt của bố mẹ khi nhìn mình, mình hiểu được sự kì vọng của họ với mình nhiều đến nhường nào. Mọi công tác chuẩn bị cho việc đi thi đã gần hoàn tất. Trước hôm đi khoảng 1 tuần, mình đã bị ốm, lâu lắm rồi mình mói có 1 trận ốm ác đến vậy, mình không ăn được, chóng mặt quay cuồng, hay nôn thốc tháo. Bố mẹ đã phải đưa mình tới bệnh viện huyện. Tuần đó, bố mẹ thay phiên ở lại phòng bệnh chăm sóc cho mình. Đôi tay như gầy đi, mái tóc đã ngả màu, nhìn bố mẹ chăm sóc cho mình mà mình muốn khóc quá, muốn ôm chặt bố mẹ vào lòng, muốn thốt lên hàng nghìn câu " Con yêu bố mẹ nhiều lắm " , nhưng mình đã không làm điều đó, mình cũng chả hiểu sao khi đó mình lại thiếu dũng khí và 1 tình yêu cần thiết để nói lên những điều yêu thương với bố mẹ, để rồi sau đó, mình lại thấy hối hận về nó. Nhưng từ trong trái tim mình, tình yêu với bố mẹ là vĩnh cửu, dù không nói ra, nhưng mình biết, bố mẹ hiểu được tình cảm yêu thương của thằng con trai muốn gửi gắm tới
Sau trân ốm, kiến thức sau những ngày học và ôn thi giảm đi rất nhiều, mình nhận ra diều đó và lo lắng. Lo vì với khả năng hiện tại sao có thể đỗ được, rồi từ đó lại quay ra trách bản thân đã không chịu khó học tập để có kiến thức thật vững chắc. Bố có lẽ cũng nhận ra điều này, bố không nói hẳn ra, mà bố luôn động viên và khích lệ mình bằng những hành động tưởng chừng như rất đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa.
Và điều gì đến cũng phải đến, mình trượt Đại học công nghiệp Hà Nội, trở về sau nỗi tuyệt vọng của bản thân, bắt gặp những ánh mắt nặng trĩu đầy thất vọng của người thân và gia đình. Và không thiếu lời ra tiếng vào chê bai , trách móc của những " kẻ cơ hội ". Mình nghĩ bố sẽ và đánh mình 1 trận như hồi mình còn bé, nhưng không, bố đã luôn an ủi, động viên mình tiếp tục đứng lên, dù xảy ra chuyện gì, con vẫn là con trai của bố. Nắm chặt tay mình như ngày bé, bàn tay vẫn còn ấm áp như ngày nào, nhưng đã trở lên gầy guộc, sự tiều tụy theo năm tháng của bố là minh chứng cho sự quan tâm, chăm sóc cho đứa con của mình. Nghe lời bố, mình đã thi và trúng tuyển vào trường Cao đẳng bách khoa Hưng Yên
Mẹ - người là niềm tin bao la
Nghĩ về mẹ, không lần nào mình kìm nén được những xúc cảm của mình. So với bố, có lẽ mẹ khắc khổ hơn rất nhiều. Lấy bố được 1 thời gian thì bố và mẹ lại phải xa cách, bố phải đi tham gia vào các chiến dịch. Để lại mẹ một mình cùng nỗi mòn mỏi chờ ngày bố về
Bố mình là anh cả trong gia đình, nên mẹ đã gặp rất nhiều áp lực trên danh nghĩa là 1 dâu trưởng . Từ ngày mẹ lấy bố, chưa phút giây nào mẹ có được niềm vui thật sự, thay vào đó là những lo toan, vất vả từ cuộc sống đời thường, sự lăn lộn kiếm cái ăn nuôi anh chị em mình. Mẹ đã luôn gặp phải sự khắc nghiệt cũng như phân biệt đối xử. Bà đã để mẹ và anh cả khi đó phải sống trong 1 túp nhà lụp xụp. Bà đã cấm các cô chú quan tam tới mẹ và anh cả mình, " Đứa nào mà bế nó tao chém", đó là khẩu hiệu mà bà đã răn đe các cô chú khi có ý định muốn bế anh mình. Hết ngày này qua ngày khác, mẹ chịu sự hà khắc của bà. Nhưng không vì thế mẹ cãi láo với bà, mẹ lặng lẽ chịu đựng trong nỗi tủi khổ, cắn răng chịu đựng theo thời gian.
Đợt bố được nghỉ phép, bố đã mang nhiều gạo, quần áo.. về cho mẹ con mình, nhưng đều bị bà tịch thu hết, chỉ để lại cho mẹ con một chút gọi là bố thí. Bố không thường xuyên ở nhà, khi về lại bị bà kể này nọ theo ý của bà, làm bố không còn quan tâm, yêu thương mẹ con mình như trước. Bố mang về nhiều tấm lá cọ, mục đích đểlợp lại mái nhà đã rách nát của mẹ con mình, nhưng đời thật chớ chêu, bà đã thu lại hết và rao bán cho người ngoài. Bà đòi người ta 1 thùng thóc ( 38 đồng ) người ta chê đắt không mua, bà mang về đưa cho cô thứ 3 kêu là về mà lợp chuồng lợn. Cô không lấy và nói :" để cho chị Bé lợp lại mái nhà, nó rahcs hết rồi " ( Bé là tên mẹ mình ). Những tưởng bà sẽ dễ dàng để lại cho mẹ, ai ngờ đâu, bà bán lại cho mẹ với giá 40 đồng, trong khi 1 thùng thóc ( 38 đồng ) cho người ngoài, người ta không thèm mua, kêu đắt. Vậy mà lại nhẫn tâm bán lại cho đứa con dâu với giá 40 đồng. Quà chồng mang về để lợp mái nhà, lại phải mua với giá cao hơn người ngoài từ chính người mẹ chống, lòng mẹ đau như cắt, nhưng vẫn phải chấp nhận, vì mái nhà của mấy mẹ con khi đó đã rách nát quá rồi, những trận mưa lạnh thấu xương, những cái nắng chói chang đã xuyên qua làn rơm lợp thối nát. Mỗi lần mẹ kể lại chuyện này cho mình nghe, con tim mình nó thổn thức, nó muốn khóc òa lên, thương mẹ bao nhiêu thì lòng thù hận ghét bà laị lên bấy nhiêu. Lòng tự trọng đâu phải muốn lấy ra lúc nào cũng được để chèn ép người khác chứ. Mẹ kể lại, mẹ khóc, khóc từ chính trái tim héo úa của mẹ. Khóc vì cô đơn, lạc lõng trong cái Đại gia đình này. Mình muốn ai ủi, động viên mẹ, nhưng sao đọng ứ nơi cổ họng, không thể cất lên thành lời. Chỉ biết nuốc nước mắt vào trong và tự mình quyết tâm sẽ mau trưởng thành để nuôi dưỡng mẹ. Thân mẹ ngày một gầy gò ốm yếu, tóc mẹ ngày càng bạc hơn, sức mẹ không còn khỏe nữa. Mẹ ơi ! Con thương và yêu mẹ nhiều lắm.
Anh cả ! Niềm tin và động lực
Anh cả sinh năm 1981, cùng với mẹ, anh đã chịu rất nhiều sự chèn ép, hà khắc từ phía đại gia đình. Trong 3 anh em, có lẽ, anh cả là người chịu khổ nhiều nhất và cũng là người thấu hiểu nỗi đau của mẹ. Anh chỉ học hết lớp 9, thi lớp 10 không đỗ nên đã đăng ký qua học lớp bổ túc. Nhưng cuộc sống có nhiều bất ngờ mài không ai lường trước được. Trường bổ túc chỉ nhận số học sinh hạn chế theo quy định, hôm đó bố có việc bận và bố đã quên đi là phải đưa anh tới đăng ký nhập học. Thế là xuất học của anh không đến đã bị thế vào cho người khác. Anh không được học cấp 3, có lẽ anh rất buồn.
Sau đó, bố đã liên hệ cho anh đi học nghề tại Cao đẳng công nghiệp Hà Nội, ngành cơ khí. Có lẽ anh có niềm đam mê với lĩnh vực này, bằng chứng là năm nào học anh cũng được nhận học bổng. Khi đó, anh trở về gia đình, và món quà anh giành cho gia đình nhỏ thôi, là chiếc áo ấm cho mẹ mặc mỗi khi trời se lạnh, là chiếc máy điện tử ngộ nghĩnh cho thằng em trai, là những cuốn sách cho em gái. Tuy giá trị vật chất nhỏ thôi, nhưng nó đã mang lại nụ cười đầy hạnh phúc từ gương mặt của mẹ, mà bấy lâu nó luôn phải nhăn lại vì phải suy nghĩ. Gương mặt hớn hở đầy phấn khích của thằng em khi cầm trên tay chiếc điện tử mà bấy lâu phải đứng nhìn bọn bạn chơi . Là sự hồ hởi của đứa em gái khi nhận được nhiều kiến thức mới. Với 3 mẹ con khi đó, anh là niềm tin, là động lực cho mỗi thành viên sống tốt hơn
Ra trường với tấm bằng loại khá. Khả năng của anh là có thể đáp ứng được công việc bấy giờ. Nhưng điều kiện hoàn cảnh gia đình không cho phép mà anh không được vào làm ở những nơi có điều kiện phát triển, mà phải làm ở những nơi nhỏ lẻ. Không vì vậy mà anh nhụt chí, ở bất cứ vị trí và nơi làm việc nào anh đã làm qua, anh đều thể hiện khả năng rất tốt của mình, kèm theo đó là lối sống lành mạnh, thiện chí mà anh được nhiều người nể phục.
Với mình , Anh là niềm tin và động lực thúc đẩy mình hoàn thiện bản thân hơn
Chị gái ! Lo trước nỗi lo của gia đình, vui sau niềm vui của gia đình
Chị sinh năm 1987, nhìn vó dáng nhỏ bé hiện gi của chị thì ít ai ngờ được những suy nghĩ, lo toan cuộc sống cho gia đình của chị lớn biết chừng nào.
Cùng chung cảnh với 4 mẹ con mình, chị từ nhỏ cũng phải nhận lấy sự thờ ơ, lạnh nhạt từ bà và cô chú. Tình yêu thương chỉ có từ 4 mẹ con, sự quan tâm, dạy bảo cũng như dìu dắt của mẹ đã rèn luyện trong chị ý ý kiên cường. Chị nói ít, làm nhiều, thể hiện điều gì đó bằng hành động. Chị học khá, và luôn rèn luyện và rèn mình phải chịu khó học. Mình còn nhớ những lần hai chị em học chung 1 bàn, cái bàn ọp ẹp chịu sức tù của 2 con người dường như quá sức. Cái bàn có 2 ngăn, mình suốt ngày tranh ngăn với chị, hôm thì ngăn trái, hôm thì ngăn phải. Mà đâu có sắp xếp sách vở gọn gàng, lúc nào cũng bày bừa khiến chị lại phải cất dọn. Mình còn nhớ bên ngăn của chị, chị viết trên mặt bàn 76110116 - 7641 . Thời gian đầu mình cũng không để ý, nghĩ nó là số bình thường thôi. Nhưng thời gian sau trên lớp hay có trò viết chữ thành số, thế là mình về dịch dãy số kia, kết quả là Hương - Hải ( Hương là tên chị mình, Hải là tên một anh ở lớp học của chị ). Biết được điều này, mình đã chêu chị, chị cứ chối, rồi có vẻ xấu hổ. Hiếm khi mình thấy chị như vậy nên mình sẽ không quên những khoảnh khắc đó, đến giờ mình vẫn còn nhớ rất rõ. Hai chị em gần nhau thì cãi nhau chí chóe, nhưng khi xa mấy ngày lại thấy nhớ chị biết bao.
Học xong 12, chị quyết định thi trường Đại học trong Nam để tiện làm việc luôn cho công ty của người quen, năm chị vào Nam thi cũng là năm mình lên lớp 9, năm cuối cấp, việc học rất bận rộn, trước khi vào Nam mấy tuần, chị đã đề ra cách học cho mình, tự ra đề và giải quyết nó, nhờ cách đó, mình hiểu được rất nhiều bài toán cũ và mới. Giờ chị vào Nam rồi, đã không còn những lần cãi nhau, không còn những lần tranh bàn học. Mà thay vào đó là sự chia xa, " thân gái dặm trường ", một mình chị vào Nam giữa đất khách quê người, mình rất thương và nhớ chị, mình tự hứa sẽ phải gắng học thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của chị và gia đình
Chị thi đỗ trường Đại học Hồng Bàng trong thành phố Hồ Chí Minh. Đối với đa số học sinh, khi đỗ Đại Học sẽ được bố mẹ mua cho quà này quà khác như điện thoại, máy tính, xe máy ... Nhưng với chị, khi nhận giấy trúng tuyển, chị đã giấu chuyện này, chị nói với gia đình rằng chị đã trượt, và sau đó chị đăng ký đi học tại chức. Tại sao chị làm vậy ? Vì gia đình, chị đủ chín chắn để biết khả năng tài chính của gia đình cho chị ăn học. Chị đã hi sinh ước mơ của mình vì không muốn thêm gánh nặng lên đôi vai trĩu nặng của bố mẹ nữa. Lúc đầu gia đình không vui và phản đối lựa chọn của chị, nhưng rồi mọi người đã hiểu và thương chị biết bao. Mình cũng vậy, thương và yêu chị lắm, nhưng sao mình không thể nói ra, cũng như với mẹ, mình muốn nói yêu họ biết nhường nào, nhưng mình không đủ dũng khí để nói lên thành lời. Mình sợ không nói nổi, vì tiếng khóc có lẽ sẽ lấn át hết giọng mình. Vì vậy, tất cả yêu thương về gia đình, mình sẽ luôn cất giữ thật chặt trong trái tim này. Khi mà trái tim này còn đập thì những kí ức, kỉ niệm cũng như tình yêu thương sẽ không bao giờ tắt.
Vừa học tại chức vừa làm, chị đã cố gắng bằng cả tinh thần , sức sống tuổi trẻ của mình. Không những chị đã tự một mình bươn trải việc sinh hoạt, học tập, mà sau 1 thời gian ngắn, chị thường tích cóp ít tiền gửi ra Bắc cho bố mẹ và mình. Mình khâm phục chị lắm, 1 mình giữa chốn đô thị đông đúc, phải đối mặt với nhiều loại người khác nhau trong xã hội, liên tục gặp phải cám dỗ trong cuộc sống. Nhưng chị vận là chị, mà còn mạnh mẽ và nhiều nghị lực bươn trải hơn. Chính chị là người đã tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho gia đình nói chung và mình nói riêng
Món quà chị tặng cho mình khi mình đi học cao đẳng đó là chiếc máy tính để bàn. Một món quà quá lớn so với tài chính và ước mơ của mình khi đó. À lại nhớ tới quà chị tặng, năm mình đỗ lớp 10, chị đã gửi cho mình 1 máy nghe nhạc mp3, tuy giá trị nó không được cao cho lắm, nhưng với mình nó thật có ý nghĩa. Chiếc máy tính chị mua cho, đến giờ mình vẫn đang sử dụng, năm trước mình nghịch nhiều quá làm hỏng cái ổ cứng. Mình không biết xoay sở sao nên gọi cho chị. Ban đầu chị trách mình sao không giữ gìn cẩn thận, nhà mình đâu phải như nhà người khác, muốn có là được đâu, lúc đó thú nhận mình có chút tự ái. Sau đó nghĩ lại mình thấy chị nói đúng và hi vọng chị sẽ tha lỗi. Chị tích cóp thêm được ít tiền, nói mình gửi ổ cứng vào đó để chị đổi cho cái mới. Mình vui lắm, và tự hứa với mình sẽ không để chị phải buồn về chuyện này nữa. 3 năm rồi, mình vẫn sử dụng chiếc máy tính này, mình cảm nhận được chị luôn theo dõi và ủng hộ mình mỗi ngày, tin tưởng vào thằng em trai sẽ sử dụng vào việc có ích, mình biết để có được chiếc máy tính này, chị đã phải làm việc vất vả nhường nào.
Em yêu chị nhiều lắm, chị gái thân yêu của em ạ !
Cuộc sống gia đình thời thơ ấu
Chiến tranh kết thúc, bố trở về quê hương. Gia đình được đoàn tụ, mẹ con mình đều cảm thấy rất vui, vì từ trước khi bố về , 4 mẹ con sống luôn bị chèn ép và cô lập. Những tưởng cuộc sống gia đình mình sẽ trở lên tươi sáng và không phải khổ như trước nữa, nhưng một sự việc đã xảy ra, nó đã đeo đẳng suốt gia đình mình từ ngày đó đến tận bây giờ, và không biết bao giờ sẽ kết thúc ....
Bố nhận công tác Mặt trận ở địa phương. Một ngày bố có nhiệm vụ giao số tiền của mặt trận lên tuyến trên. Bố có ghé qua nhà người bạn để gặp mặt, trò chuyện với 1 số anh em trước cùng đơn vị. Cuộc sống khi đó khó khăn, đã sinh ra những hạng người chiếm đoạt tài sản của người khác cho riêng mình. Do sơ suất bất cẩn mà bố đã không mang túi chứa số tiền đó theo người, mà lại để ở ngoài xe. Và điều gì đến đã đến, số tiền không cánh mà bay, bố đã không báo với công an điều tra, vì bố tin vào những người bạn của mình. Bố đâu biết dòng đời thay đổi thì con người cũng đổi thay. Âm thầm chịu đựng, bố phải đi vay lãi để bù vào số tiền đó.
Kinh tế gia đình khó khăn, giờ vấp phải nợ nần số tiền lớn như này lại càng chìm vào sự nghèo khổ. Và điều tất nhiên, khi không có tiền trả kì hạn thì phải đi vay, rồi lãi mẹ đẻ lãi con. Chẳng mấy chốc sau mấy năm, số tiền nợ của nhà mình đã gấp 3-4 lần số ban đầu. Hồi đầu ai cũng trách bố, vì bố mà cả gia đình trở nên khốn đốn như này, nhưng thời gian sau mẹ con cũng hiểu và cùng bố phát triển kinh tế để trả nợ. Nhưng cuộc đời luôn bất công, tình hình không khấm khá hơn là mấy, lãi mẹ đẻ lãi con. Xuất hiện càng nhiều lần cán bộ ngân hàng cũng như chủ nợ đến đòi nợ, những khi đó, mình chỉ biết túm chặt lấy mẹ và sợ hãi , trong lòng muốn khóc òa ...
Vùng vẫy trong việc phát triển kinh tế, nhà mình đã làm đậu bán để kiếm thêm thu nhập. Sáng sớm bố mẹ dậy làm đậu. Mình cũng dậy theo, phụ mẹ trong việc xay đỗ, rồi vắt bã đậu ( những cụm từ mà chắc hẳn nhiều bạn không biết nó là gì ) , có cả đậu rán và đậu trắng, mẹ xếp đậu vào rổ, sáng tới mình và chị bê rổ đậu ra mấy tiệm bán thịt, ngồi ở đó bán. Hôm nào đắt hàng thì chỉ việc ngồi đó là bán hết, còn hôm nào ế, 2 chị em lễ mễ bê rổ đậu quanh làng và rao " Ai mua đậu không " , những hôm không bán được, nhìn rổ đậu còn đầy mà 2 chị em chỉ muốn khóc, biết là mẹ ở nhà sẽ rất buồn. Thời gian cứ thế trôi, hình ảnh 2 chị em bê rổ đậu bán trong làng đã trở lên quen thuộc, tuy có vất vả, nhưng quãng thời gian đó, mình đã cảm nhận được tình yêu thương của từng thành viên trong gia đình. Những lúc khó khăn thì mới biết ai là người bạn thực sự của mình, và mình đã hiểu ra : Cuộc sống gia đình nghèo khổ thì các hành viên trong gia đình hãy tự đùm bọc lấy nhau, có ai quan tâm thì đó chỉ là sự thương hại mà thôi. Sự thương hại còn là may mắn đó, ngoài ra đó là sự khinh biệt mỉa mai, và những ánh mắt xa lạ từ những người xung quanh. Nghèo đâu phải cái tội ? Gia đình mình cũng đâu muốn nghèo, cũng như đâu ỉ vào cái nghèo mà muốn sự thương hại của người khác. Bố mẹ và anh chị em mình đang cố hết sức để vượt qua nó. Tại sao ? tại sao họ lại khinh thường nhà mình đến vậy.
So với những đứa trẻ cùng trang lứa, được sống trong sự yêu thương và chiều chuộng từ gia đình, thì với mình, ngay từ bé luôn 1 ý chí : Gia đình mình không như nhà tụi nó, không có những cái đó thì mình lại có những cái khác, đó là sự quan tâm, yêu thương vô bờ từ bố mẹ, anh chị. Sinh nhật ! đó là 1 khái niệm không tồn tại trong suy nghĩ của mình, chưa 1 lần trong đời mình tổ chức sinh nhật cả, mình biết, nếu mình vòi bố mẹ thì chắc chắn sẽ được tổ chức thôi. Nhưng nhìn vào bữa cơm đạm bạc hàng ngày của gia đình, nên mình đã gạt bỏ điều ích kỉ bản thân đó. Thay vì bỏ tiền ra tổ chức sinh nhật trong 1 tối, thì đó là mấy bữa cơm có thịt, có cá. " Con cái không chê cha mẹ nghèo mà ", mình luôn yêu thương bố mẹ, và hạn chế tối đa những lần sinh nhật bạn bè, những buổi liên hoan. Những lần đó bố hỏi sao mình không đi, mình chỉ nói " Con không thích ", nhưng sau cái không thích đó là con không muốn làm bố mẹ phải chi thêm 1 khoản vì điều đó nữa. Với lại mình không tổ chứ sinh nhật mà lại tới sinh nhật của người ta xem ra hơi kì cục. Nên những lúc như thế, giải pháp của mình là : Chùm chăn đi ngủ !
Chính vì sống trong thời thơ ấu như vậy đã tạo ra con người của mình, trầm lặng, phấn đấu âm thầm, và không bị vấp ngã bởi những cám dỗ của cuộc sống
Cuộc sống gia đình hiện tại
Khoản nợ đeo đẳng từ ngày mình xinh ra tới giờ, đã có lần nó mất đi, nhưng rồi lại được sinh ra. Cuộc sống vẫn túng bẫn như ngày xưa. Bố mình đã nghỉ công tác địa phương về với gia đình, 1 phần là do có tuổi rồi, 1 phần là dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, với khoản lương hưu quân đội nên vẫn đủ chi trả việc học của mình. Mẹ mình thì phải đi giúp việc cho người quen. Do kinh tế khó khăn nên dù đã ngoài 50 rồi, mẹ vẫn phải vắt kiệt sức lao động của mình để chăm lo cho gia đình và các con.
Mình đã lớn khôn hơn nhiều so với ngày bé, không cảm thấy xấu hổ khi người khác nói mẹ mình phải đi giúp việc nữa. Mình yêu mẹ vô cùng, có lẽ suốt cuộc đời này mình sẽ không tìm được ai tốt và đầy nghị lực như mẹ của mình, mình sẽ không khóc nữa. Mỗi lần chủ nhật về quê, mẹ thường nói với mình " Nhanh có việc làm để nuôi mẹ, giờ mẹ chỉ có mình con để nương tựa thôi ", khi đó mình ngoảnh mặt đi và nước mắt cứ thế tuôn ra, mình không đủ nghị lực để nhìn mẹ lúc đó, ánh mắt nhăn nheo đầy hi vọng về đứa con trai. hi vọng, niềm tin của mẹ như ngọn lửa trước gió, mình sẽ bảo vệ ngọn lửa đó cháy mãi. Mình sắp ra trường rồi, và bắt đầu có những lo toan cho cuộc sống về việc làm, gia đình. Nhưng trên hết, mình sẽ làm việc để trả hết khoản nợ của gia đình. Không cần biết cuộc sống sau này mình có khó khăn thế nào, nhưng mình tự hứa với bản thân mình : " Quãng đời còn lại của mẹ, con sẽ mang thật nhiều niềm vui cho mẹ, gánh trách nhiệm mà bấy lâu bố mẹ đã gánh, đôi vai gầy của bố mẹ không còn đủ sức gánh nữa, đừng cố nữa bố mẹ. Để chuyện đó lại cho con nhé "
Con yêu bố mẹ - em yêu anh chị nhiều lắm
Bài viết mình tham dự cuộc thi " TÔi blOg" - Những suy nghĩ, cảm xúc của mình về gia đình thân yêu của mình. Những điều mà bấy lâu mình chưa đủ can đảm để nói ra.
Đọc -> cảm nhận -> like -> chia sẻ : Bài viết đủ sức lan tỏa và thuyết phục, bạn hãy làm điều này nhé .15/4 là ngày trao giải thưởng TÔi blOg, cũng là ngày sinh nhật của mình, mình muốn làm nên 1 điều gì đó để dành tặng cho gia đình mình, hi vọng bạn sẽ giúp mình hoàn thiện được nguyện vọng này.
Nguyễn Hải ™ blOggerBạn có tài khoản Fakebook - nhấn like nhé, bạn có Twiter, nhấn nút, bạn có G+, nhấn nút G+, bạn có cả 3, vậy nhấn cả 3 nhé ^^. Còn bạn không có tài khoản nào, hãy click bài viết này mỗi ngày và chia sẻ link bài viết tới bạn bè của mình nhé