Hướng dẫn tự làm bể lọc nước

Hướng dẫn tự làm bể lọc nước

Mặc dù đã cố gắng cắt giảm chi phí nhưng thực sự cho đến nay các bộ lọc nước NANOPRO mới chỉ phục vụ cho những người giàu hoặc sẽ giàu và điều này luôn làm chúng tôi băn khoăn.

Công nghệ lọc nước thực ra không mới. Người Việt Nam chúng ta từ hàng trăm năm trước đã biết cách lọc nước để sử dụng. Ngày nay, tại các vùng nông thôn vẫn còn rất nhiều gia đình tự làm bể lọc. Chúng tôi thấy rằng chỉ cần cải tiến một chút xíu thì các bể lọc của chúng ta cũng sẽ tiện dụng không kém gì của Mỹ.

Thật vậy, thoạt nhìn sơ dồ của chúng tôi, không ít người đã nói: “Chả khác gì của Việt Nam!, cũng chỉ là 1 bể lọc đơn giản”.

Xem kỹ mới thấy, có 2 sự khác biệt căn bản:
Vật liệu lọc và cách sắp xếp

Có thể bố trí 2 hoặc 3 lớp vật liệu, tùy theo nguồn nước:

Lớp dưới cùng là sỏi, tạo khoảng trống để thu gom nước.
Tiếp theo là lớp than hoạt tính. Dùng loại hạt than càng nhỏ càng tốt để hấp phụ mùi, màu và các loại hóa chất hòa tan.
Trên cùng là lớp cát vàng hoặc Filox (nếu muốn khử sắt, mangan và mùi tanh).



Điểm khác biệt ở đây không phải là vật liệu lọc mà là ở chỗ bể lọc này luôn ngập nước, tạo lớp màng sinh học trên mặt lớp cát. Vậy làm thế nào để bể lọc không bao giờ cản khô?
Quy trình thu gom nước:

Các bộ lọc truyền thống sau khi gom nước sẽ cho chảy ra bằng vòi/ van nước ngay dưới đáy bể. Nước trong bể lọc sẽ chảy lên tục cho đến khi không còn nữa.

Bây giờ ta cải tiến, bắt dòng nước này chảy ngược lên phía trên.

Mấu chốt là ở chỗ: Hãy gắn đường ống theo đúng như sơ đồ. Miệng ống phải cao hơn mặt trên cùng của lớp cát.

Khi nước trong bể chứa dâng lên, nước trong ống cũng dâng theo nguyên tắc bình thông nhau. Nước sẽ chảy ra khi mực nước trong bể cao hơn miệng ống. Nước sẽ ngừng chảy khi mực nước trong bể hạ thấp ngang với miệng ống. Do đó, lớp mặt trên của lớp cát không bao giờ bị khô, tạo thành một lớp màng vi sinh nên có thể lọc được cả vi khuẩn.



Có thể xây bể bê tông hoặc tận dụng các vật dụng bỏ đi như thùng nhựa, phuy sắt.

Uốn cong ống nhựa (hơ lửa) hoặc dùng các khớp nối để tạo đường ống như trong sơ đồ.
Một số lưu ý:

Tùy trường hợp, có thể gắn thêm 1 phao cơ hoặc phao điện để kiểm soát lượng nước cấp tự động cho bể lọc.

Khi cấp nước, nhớ đổ nhẹ nhàng, tránh làm xáo trôn lớp màng vi sinh trên mặt lớp cát.

Bất tiện duy nhất là bể lọc này chưa có chế độ xúc xả tự động nên cần định kỳ thay hoặc rửa vật liệu lọc một cách thủ công. Chỉ cần thay lớp cát trên cùng, các lớp bên dưới có thể rửa sạch để dùng lại.
Ứng dụng

Hệ thống này thích hợp cho cả nước ngầm và nước sông, chỉ cần thay đổi vật liệu lọc tương ứng.

Hệ thống này có thể để ở nhà, có thể mang lên tàu. thuyền, ... Đặc biệt, có thể dùng bể lọc nước kiểu này để cung cấp nước sạch cho dân cư sau các trận lũ lụt.

Hy vọng với những cải tiến tưởng chừng rất đơn giản này, mọi gia đình đều có thể tự làm một bể lọc để luôn có nguồn nước đủ an toàn cho sinh hoạt hàng ngày.

Hướng dẫn tự làm bể lọc nước by st